Dù tuyên bố sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Tehran "mà không đi kèm điều kiện nào" nhằm đảm bảo rằng nước cộng hòa Hồi giáo này sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đọc thêm: game đầu tư
Theo hãng tin Bloomberg, quan điểm trên của ông Trump một lần nữa được khẳng định bởi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày Chủ nhật, khi ông Pompeo chuẩn bị lên đường tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để tập hợp "một liên minh toàn cầu chống lại Iran".
Hiện nay, khoảng 80% nền kinh tế Iran đang nằm dưới sự trừng phạt của Mỹ, và các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp nhằm đảm bảo rằng khả năng phát triển kinh tế của Tehran "trở nên ngày càng khó khăn" - ông Pompeo nói với các nhà báo. "Thế giới sẽ biết rằng Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch nhằm chặn nguồn lực của Iran dành cho chương trình hạt nhân của họ".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài NBC hôm Chủ nhật, ông Trump nói ông nghĩ rằng lãnh đạo Iran muốn đàm phán và ông sẵn sàng đàm phán mà không đưa ra bất kỳ điều kiện nào, miễn sao kết quả đàm phán là Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng nói "dầu lửa sẽ không liên quan gì" đến các cuộc thảo luận Mỹ-Iran nếu hai bên nhất trí ngồi vào bàn đàm phán".
"Vấn đề là thế này. Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Và nếu họ muốn đàm phán, thì rất tốt. Nếu không, họ sẽ phải sống trong một nền kinh tế tiêu điều trong một thời gian dài", ông Trump nói.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Tehran vẫn chưa tỏ dấu hiệu nào muốn đàm phán với Washington. Lãnh đạo Iran hồi đầu tháng này đã bác bỏ đề xuất đàm phán mà ông Pompeo đưa ra, nói rằng đề xuất đó chỉ là "chơi chữ" xét đến những hành động của chính quyền ông Trump đối với Iran, bao gồm việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Hiện chưa rõ chi tiết các biện pháp trừng phạt bổ sung mà ông Trump tuyên bố áp lên Iran từ ngày 24/6. Hôm thứ Sáu, ông Trump cũng cho biết đã hủy vào phút chót một kế hoạch không kích Iran nhằm trả đũa việc Tehran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ hồi tuần trước.
Căng thẳng giữa Mỹ với Iran đã liên tục leo thang kể từ khi ông Trump cách đây hơn 1 năm rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Mâu thuẫn bị đẩy lên cao thời gian gần đây sau khi ông Trump siết trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm về 0.
Trước vụ Iran bắn rơi thiết bị bay của Mỹ, hai nước đã tranh cãi "nảy lửa" về một loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Mỹ cáo buộc Iran và các lực lượng được Iran hậu thuẫn đứng sau các vụ tấn công này, trong khi Tehran phủ nhận.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự ở Trung Đông - khu vực giữ vai trò là một nguồn cung cấp dầu lửa chính của thế giới.
Ngày 23/6, Mỹ và các đồng minh gồm Anh, Saudi Arabia và UAE đã ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về các hoạt động gần đây của Iran, bao gồm các vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman và Vịnh Persia, đồng thời kêu gọi giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng.